Trang chủ Tin Hot Khẳng định cực tăng trưởng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc...

Khẳng định cực tăng trưởng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

709
0

Là một trong 3 địa phương thuộc “vùng lõi” của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hải Phòng và Hà Nội, Quảng Ninh ngày càng thể hiện xuất sắc vai trò là một cực tăng trưởng phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.

Những năm qua, trong bối cảnh trong nước và quốc tế vừa có những thuận lợi nhưng cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức, song tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, chủ động dự báo, vận dụng hợp lý, khoa học các quy luật khách quan; thống nhất nhận thức, chỉ đạo triển khai quyết liệt, có kết quả kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh nói riêng cũng như các tỉnh trong vùng nói chung.

Hạ tầng dịch vụ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh Đỗ Phương
Hạ tầng dịch vụ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Phương

Phát biểu tại hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại tỉnh Hưng Yên mới đây, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Là một cực trong tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung trong liên kết vùng, cụ thể hóa các chương trình hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong vùng, đặc biệt trong xử lý các điểm nghẽn, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan triển khai thực hiện các dự án mang tính động lực của cả vùng…

Theo đó, một trong những điểm nổi bật nhất là lĩnh vực giao thông, Quảng Ninh đã cùng một số địa phương khác phối hợp với các bộ liên quan tích cực triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; khởi động dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đặc biệt, mới đây là triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Bạch Đằng, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng, hiện đang phối hợp triển khai dự án cầu Lại Xuân, xây dựng cầu Bến Rừng, qua đó kết nối gần hơn, thuận tiện hơn với TP Hải Phòng.

Quảng Ninh cũng phối hợp với Hải Dương thống nhất triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Triều để thay thế phà Triều, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương. Trong khuôn khổ hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ VIII, đã thống nhất đề nghị Chính phủ hai nước sớm cho phép nghiên cứu thúc đẩy mở tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế từ Côn Minh – Hà Khẩu – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Cùng với đó, tỉnh cũng vận dụng linh hoạt sáng tạo đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ đối với các dự án động lực của cả vùng. Nổi bật là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hòn Gai, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đã góp phần tạo liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế. Trong giai đoạn 2013-2018, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trên địa bàn tỉnh khoảng 47.000 tỷ đồng, với tổng số 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 4.700 tỷ đồng, chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác GPMB).

Không chỉ kết nối giao thông, thời gian qua Quảng Ninh cũng thực hiện tăng cường hợp tác với các địa phương về lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tài nguyên, môi trường, lao động và xã hội… Những liên kết, phối hợp này đều đạt được thành công nhất định, tạo động lực cho sự phát triển của mỗi địa phương cũng như của cả vùng. Điển hình như thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, đến nay nhiều bệnh viện của tỉnh đang là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương; một số trung tâm y tế tuyến huyện thì phối hợp với Trường Đại học Y, Dược TP Hải Phòng và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong tăng cường công tác đào tạo nhân lực và các kỹ thuật y tế mới…

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25 km, kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh rút ngắn thời gian di chuyển. Ảnh: Đỗ Phương
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng dài 25km, kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, rút ngắn thời gian di chuyển. Ảnh: Đỗ Phương

Với cách làm hiệu quả, Quảng Ninh tiếp tục tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Đặc biệt là sáng kiến cải cách hành chính, cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông các điểm nghẽn tăng trưởng, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiện nay, Quảng Ninh là một trong 16 địa phương của cả nước thực hiện tự cân đối ngân sách, những năm gần đây, tỉnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao, vượt dự toán Trung ương giao.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 40.548 tỷ đồng, tăng 14% dự toán Trung ương giao, đứng thứ 7 trong cả nước, trong đó, thu nội địa 30.530 tỷ đồng, chiếm 75% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng 10% so cùng kỳ, đứng thứ 5 trong cả nước; thu xuất nhập khẩu 10.018 tỷ đồng, tăng 67% dự toán Trung ương giao. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2018 chiếm trên 60% tổng chi ngân sách địa phương (năm 2016 là 56%, năm 2017 là  63,5%, năm 2018 là 67%). Riêng 6 tháng đầu năm 2019 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 23.924 tỷ đồng, bằng 58% dự toán năm, tăng 14% cùng kỳ.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo, linh hoạt, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động tìm tòi, đề xuất cơ chế, chính sách, nhờ đó đạt được những kết quả hết sức quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Những thành tựu này khẳng định rõ hơn một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của địa phương nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo.

Hoài Anh