Trang chủ Hạ Long Dự án Đại học FLC

Dự án Đại học FLC

1322
0

03/06

3-Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập đại học FLC

Trên cơ sở đánh giá và đệ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Văn phòng Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ngày 03/06/2019 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức ký văn bản số 664/TTg-KGVX đồng ý chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLC tại Tỉnh Quảng Ninh.

Hoạt động theo mô hình Đại học tư thục không lợi nhuận, dự án thành lập Đại học FLC nhận được đánh giá cao từ cơ quan chuyên môn là Bộ Giáo dục & Đào tạo, đồng thời vượt qua sự thẩm định của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình hoàn thiện pháp lý.

Đây là kết quả của hơn hai năm lên ý tưởng, nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu, thiết lập và đưa các chương trình giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới vào Đề án thành lập Trường Đại học FLC, với sự phối hợp của các nhân sự cấp cao trong Tập đoàn FLC cùng đội ngũ đông đảo các chuyên gia quốc tế hàng đầu thế giới về giáo dục đại học và sau đại học đến từ Mỹ, Nhật, Australia, Thuỵ Sỹ, Pháp …

Tiêu chuẩn quốc tế

Theo đề án thành lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trường Đại học FLC được xây dựng với quy mô dự kiến khoảng 50 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư ước tính gần 4.000 tỷ đồng.

Trường đặt mục tiêu đạt xếp hạng QS rating và kiểm định ASEAN University Network (AUN); xếp hạng AACSB đối với các chương trình quản trị kinh doanh trong thời gian ngắn nhất giúp học viên được học tập trong môi trường giáo dục bài bản, đẳng cấp quốc tế ngay tại Hạ Long mà không cần đi du học nước ngoài. Từ đó dần thay đổi quan niệm về “du học” truyền thống và đặt mục tiêu thu hút sinh viên ở các tỉnh, thành phố khác về Quảng Ninh “du học”, kể cả sinh viên ở các quốc gia khác đến Việt Nam.

Với ba chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch và hàng không, Trường dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.

Theo TS. LS Vũ Đặng Hải Yến – Giám đốc Công ty Luật TNHH SmiC, người đại diện đứng tên thành lập Trường đại học FLC, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang “bùng nổ” trên phạm vi toàn cầu còn Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường du lịch, thị trường hàng không thuộc top đầu thế giới về tăng trưởng,  việc đổi mới phương pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng đặc biệt cho các ngành Công nghệ cao, Du lịch và Hàng không đang là yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, căn cứ trên thực tiễn tuyển dụng của Tập đoàn FLC và nhu cầu chung của doanh nghiệp, có thể thấy rằng nhân lực trong các ngành này vẫn chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng.

Tính riêng trong lĩnh vực Du lịch, theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Thực trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành Công nghệ cao và Hàng không với những thách thức chung về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, kỹ năng hành nghề cũng như kỹ năng mềm…

“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một cơ sở giáo dục hệ đại học và sau đại học vượt trội trong phương pháp và chương trình giảng dạy, góp phần phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Việt Nam nói riêng và góp phần phát triển các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nói chung”, bà Yến cho biết.

Chuẩn bị chu đáo

Nhằm đáp ứng kế hoạch tuyển sinh mùa đầu tiên vào năm 2020, song song với quá trình thực hiện thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất chất lượng cao cho hoạt động đào tạo của Trường Đại học FLC cũng được Tập đoàn FLC khẩn trương triển khai.

Với sự tư vấn của đội ngũ thiết kế uy tín đến từ Australia, ý tưởng thiết kế mặt bằng của trường đã hoàn thành, được kỳ vọng là hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị đào tạo hàng đầu thế giới, mang lại tiện ích và không gian nghiên cứu học thuật tốt nhất cho học viên và giảng viên.

Hiện tại, Tập đoàn FLC đang nhanh chóng làm việc và thực hiện các thủ tục pháp lý với UBND Tỉnh Quảng Ninh để hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất và các thủ tục pháp lý khác cho việc khởi công xây dựng Trường Đại học FLC trong năm nay.

Bên cạnh đó, việc đặt quan hệ hợp tác, ký kết MOU với nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao, du lịch và hàng không trong nước và quốc tế cũng đã và đang được khẩn trương triển khai, hứa hẹn những chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế sẽ sớm được hình thành, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong thời đại Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Song song với quá trình chuẩn bị về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo, vấn đề nhân sự của Trường đại học FLC cũng đang được Tập đoàn FLC chuẩn bị tích cực. Ngay sau khi công bố, thông tin thành lập cũng như định hướng phát triển của Đại học FLC đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học tại Việt Nam.

Hàng nghìn hồ sơ ứng tuyển đã được chuyển tới Ban dự án thành lập trường, với đầy đủ các vị trí giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, cán bộ quản lý, cố vấn chuyên môn…

Quá trình trao đổi hợp tác và tuyển dụng các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và quốc tế đang được Tập đoàn FLC đẩy mạnh nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho đội ngũ nhân sự giảng dạy tại Trường trong thời gian tới.

Nguồn: FLC

13/04

2-“Bắt tay” RMIT Australia, Đại học FLC đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Ngày 12/04/2019, tại Trụ sở Tập đoàn FLC đã diễn ra cuộc gặp mặt và làm việc giữa Ban Điều hành Dự án Trường Đại học FLC và Đại học RMIT Australia.

“Bắt tay” RMIT Australia, Đại học FLC đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Buổi làm việc giữa Tập đoàn FLC và Đại học RMIT đã mở ra triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, y tế và hàng không

Cuộc gặp mặt và làm việc giữa Ban Điều hành Dự án Trường Đại học FLC và Đại học RMIT Australia đã đề cập đến các định hướng, cơ hội hợp tác giữa hai bên liên quan đến các lĩnh vực đào tạo của dự án Trường Đại học FLC nói riêng và các lĩnh vực đầu tư của Tập đoàn FLC nói chung, đặc biệt là đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, y tế và hàng không.

Tham dự buổi gặp gỡ có ông Lê Bá Nguyên, Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC; bà Vũ Đặng Hải Yến, Trợ lý HĐQT (Hàm Phó Tổng giám đốc) cùng đại diện các đơn vị thành viên và  đặc biệt là đông đủ các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ thuộc các Hội đồng cố vấn, Hội đồng khoa học, Hội đồng chuyên môn và Ban điều hành Dự án Trường Đại học FLC.

Phía Đại học RMIT Australia có sự tham gia của Giáo sư Peter Coloe, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Công nghệ và Y tế thuộc RMIT Australia; Tiến sĩ Marta Fernandez, Giám đốc điều hành các trường Đại học RMIT tại khu vực Châu Âu; Tiến sĩ Patrick Griffiths,Trợ lý Giáo sư Peter Coloe, Giảng viên khoa Hợp tác công nghiệp và Truyền thông của Trường Đại học RMIT Australia và Giáo sư ưu tú – Tiến sĩ Charlie C.Xue, Trưởng Khoa Y tế và Khoa học y sinh – Trường Đại học RMIT.

Tại buổi làm việc, các đại diện của FLC đã lần lượt giới thiệu với Đại học RMIT Australia về các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn FLC nói chung và Dự án Trường Đại học FLC nói riêng.

Trong đó, Dự án Trường Đại học FLC được giới thiệu là một dự án mới, tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục của Tập đoàn FLC. Với tổng mức đầu tư gần 4000 tỷ đồng, dự án được triển khai trên khu đất có quy mô 50 ha, và được xác định là cấu phần trung tâm của Tổ hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và vui chơi giải trí với quy mô 620 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Dự án Khu Đô thị Đại học FLC Hạ Long).

Với mô hình là một trường đại học tư thục, phi lợi nhuận, Trường Đại học FLC được thành lập với sứ mệnh là trường đại học hàng đầu khu vực và thế giới, được công nhận và xếp hạng quốc tế tại Việt Nam, là cơ sở giáo dục hệ đại học và sau đại học vượt trội trong phương pháp và chương trình giảng dạy, góp phần phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Việt Nam nói riêng và góp phần phát triển các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nói chung.

Điểm đặc biệt trong mô hình đào tạo mà Tập đoàn FLC tâm huyết là sự gắn liền giữa đào tạo và thực tiễn, lấy người học là trung tâm, các tiện ích, dịch vụ được thiết kế xung quanh trường học đều nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, tạo điểm nhấn thu hút cả người học và người tham gia giảng dạy.

Dự kiến, sau khi được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, Trường Đại học FLC sẽ là cơ sở đào tạo chủ lực trong việc cung cấp nhân sự chất lượng cao cho Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là Khu công nghiệp Y dược công nghệ cao đang được Tập đoàn FLC dự định nghiên cứu đầu tư tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Cũng theo đề án thành lập trường đại học FLC đã trình tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học FLC sẽ dự kiến tuyển sinh từ cuối năm 2020 với quy mô đào tạo ban đầu là 600 sinh viên và sẽ tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 20.000 sinh viên vào năm 2035.

Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Dự án Đại học FLC và đánh giá cao các lĩnh vực đào tạo chủ chốt mà Đại học đang hướng tới, Giáo sư Peter Coloe đã trực tiếp đề xuất nhiều cơ hội hợp tác với Tập đoàn FLC trên nhiều lĩnh vực. Với thế mạnh đặc biệt trong y dược, nông nghiệp công nghệ cao và chương trình đào tạo phi công được đánh giá hàng đầu tại Úc, sự kết nối giữa RMIT Australia và Tập đoàn FLC sẽ mở ra nhiều triển vọng hợp tác bền vững trong tương lai.

Kết thúc cuộc họp, hai bên nhất trí với việc ký kết một thỏa thuận hợp tác chính thức để cụ thể hóa các phương án trao đổi, hợp tác song phương. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký kết trong tuần đầu tiên của tháng 5 tại quần thể FLC Hạ Long, Quảng Ninh. Đây cũng là khu vực đã được Tập đoàn FLC lựa chọn làm địa điểm xây dựng Trường Đại học FLC sau khi đề án thành lập được phê duyệt chính thức.

Là một trong những trường đại học công lập lâu đời nhất nước Úc, Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) luôn ghi danh trong Top 10 trường đại học của đất nước này về chất lượng nghiên cứu và lọt vào Top 100 thế giới trên nhiều lĩnh vực như Dược và Dược lý học, Quản trị kinh doanh, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin… Đây cũng là trường đại học tiên phong của Úc thực thi chính sách đặc biệt về giáo dục quốc tế thông qua việc phát triển các chương trình giáo dục liên kết tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

TÂM AN

Nguồn: bizlive

23/03

1-Tập đoàn FLC muốn xây đại học đầu tiên theo mô hình “đô thị đại học” tại Quảng Ninh

Tập đoàn FLC vừa đệ trình xin phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Quốc tế Công nghệ – Du lịch – Hàng không Hạ Long tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo TS. LS Vũ Đặng Hải Yến – Giám đốc Công ty Luật TNHH SmiC, Trợ lý HĐQT kiêm Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn FLC, đây sẽ là trường đại học đầu tiên xây dựng theo mô hình “đô thị đại học” tại địa phương, với mục tiêu tạo ra nguồn cung nhân lực chất lượng cao theo các tiêu chuẩn hàng đầu của trong nước và quốc tế.

Đô thị đại học đầu tiên tại Quảng Ninh

Xin bà cho biết một số thông tin sơ bộ về dự án Trường Đại học Quốc tế Công nghệ – Du lịch – Hàng không Hạ Long?

Theo đề án, Trường Đại học Quốc tế Công nghệ – Du lịch – Hàng không Hạ Long có quy mô 50 ha, vốn đầu tư dự kiến gần 4.000 tỷ đồng, là trung tâm của Khu đô thị đại học FLC Quảng Ninh – một tổ hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và vui chơi giải trí quy mô 620 ha mà Tập đoàn FLC đang nghiên cứu đầu tư tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trường được xây dựng theo mô hình “đô thị đại học” đầu tiên tại Quảng Ninh. Mô hình này sẽ lấy Trường đại học làm trung tâm, còn các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ là vệ tinh phục vụ cho nhu cầu cho các học viên trong quá trình đào tạo, có thể nói là những “xưởng thực hành” quy mô lớn.

Kế hoạch tuyển sinh mùa đầu tiên của trường dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020 với quy mô đào tạo ban đầu là 2.500 sinh viên và sẽ tăng lên 10.000 sinh viên vào năm 2025, 20.000 sinh viên vào năm 2030.

Tại sao Tập đoàn FLC lại chọn Hạ Long, Quảng Ninh để xây trường đại học mà không phải là Hà Nội hay các đô thị khác?

Là một trong những nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy cơ sở và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm hiện chưa đạt hết mức tiềm năng. Dù sở hữu nhiều thắng cảnh và di sản nổi tiếng thế giới, vị trí địa lý được xác định là trung tâm kinh tế mạnh trong chiến lược biển Việt Nam và trong chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt – Trung, nhưng các cơ sở đào tạo nhân sự ngành du lịch, công nghệ cao, hàng không của tỉnh chưa thực sự quy mô và đồng bộ.

Do đó, Tập đoàn FLC đã lên kế hoạch đầu tư Trường Đại học Quốc tế Công nghệ – Du lịch – Hàng không Hạ Long tại đây, nhằm xây dựng một cơ sở đào tạo mới mang tính bứt phá, kỳ vọng trở thành động lực góp phần thúc đẩy vượt bậc chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đặc biệt là nhân lực trình độ cao trong bối cảnh Quảng Ninh đang có những bước tăng trưởng mạnh trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Được biết trong giai đoạn hoạt động đầu tiên, trường sẽ thành lập ba khoa chuyên môn bao gồm: Khoa Công nghệ cao, Khoa Du lịch và Khoa Hàng không. Nguyên nhân của việc lựa chọn các ngành nghề đặc thù này là gì, thưa bà?

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang “bùng nổ” trên phạm vi toàn cầu còn Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường du lịch, thị trường hàng không thuộc top đầu thế giới về tăng trưởng, việc đổi mới phương pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành Công nghệ cao, Du lịch và Hàng không đang là yêu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, căn cứ trên thực tiễn tuyển dụng của Tập đoàn FLC và nhu cầu chung của doanh nghiệp, có thể thấy rằng nhân lực trong các ngành này đang chưa đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng.

Tính riêng trong lĩnh vực Du lịch, theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Thực trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành Công nghệ cao và Hàng không với những thách thức chung về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, kỹ năng hành nghề cũng như kỹ năng mềm…

Khi đề xuất đề án này, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra nguồn cung nhân lực chất lượng, không những khắc phục căn bản thực trạng thiếu hụt lực lượng lao động tại Quảng Ninh; mà còn góp phần giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao cho toàn thị trường Việt Nam nói chung.

Nâng cao sức cạnh tranh trong thời đại 4.0

Việt Nam đang tồn tại thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, rất nhiều trường ĐH mở ra nhưng không thu hút được sinh viên, hoặc sinh viên tốt nghiệp nhưng thiếu kỹ năng, không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Vậy Tập đoàn FLC định hướng phát triển trường ra sao để tránh khỏi vết xe đổ trên?

Với mô hình “đô thị đại học” mà chúng tôi đang đề xuất, thực trạng “thiếu thực tiễn” trong hệ thống giáo dục đào tạo sẽ được giải quyết. Bởi ngay cạnh Trường Đại học Quốc tế Công nghệ – Du lịch – Hàng không Hạ Long sẽ có “xưởng thực hành” quy mô lớn để sinh viên được cọ xát, đó là các sân golf đẳng cấp quốc tế, các khu nghỉ dưỡng 5 sao do Tập đoàn FLC đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, khu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các cơ sở dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng không cũng là môi trường thực hành nghề lý tưởng cho các sinh viên ngành hàng không…

Trường đặt mục tiêu đạt xếp hạng QS rating và kiểm định ASEAN University Network (AUN); xếp hạng AACSB đối với các chương trình quản trị kinh doanh trong thời gian ngắn nhất giúp học viên được học tập trong môi trường giáo dục bài bản, đẳng cấp quốc tế ngay tại Hạ Long mà không cần đi du học nước ngoài. Từ đó dần thay đổi quan niệm về “du học” truyền thống, thu hút sinh viên ở các tỉnh, thành phố khác về Quảng Ninh “du học”, kể cả sinh viên ở các quốc gia khác đến Việt Nam học về ngôn ngữ và văn hoá.

Cụ thể giải pháp đầu ra cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Trường là gì?

Trung bình mỗi năm, Tập đoàn FLC tuyển dụng lên đến 5.000 – 6.000 lao động phục vụ trong đa lĩnh vực như hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf, tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại chất lượng chuẩn quốc tế; các dự án khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao cũng như hãng hàng không Bamboo Airways vừa chính thức vận hành từ đầu năm 2019. Với nhu cầu nhân sự ngày càng gia tăng sau mỗi năm, các học viên của Trường sẽ có cơ hội học tập, trải nghiệm tốt nhất tại những dự án quy mô đã vận hành, điều mà các sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo khác khó có thể tiếp cận, đồng thời có cơ hội việc làm phù hợp đúng chuyên ngành ngay sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, với chất lượng đào tạo tiêu chuẩn quốc tế, trường cũng sẽ là nơi cung cấp nhân sự chất lượng cao cho ngành Công nghệ cao, Du lịch và Hàng không tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, với nhu cầu đang rất lớn tại các cơ sở như Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn hay các khu công nghiệp, các hệ thống khách sạn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh.