Trang chủ Kinh Tế “Chúng tôi xem Quảng Ninh như là trung tâm để phát triển...

“Chúng tôi xem Quảng Ninh như là trung tâm để phát triển tôm khu vực miền Bắc”

896
0

Cuối tháng 6 vừa qua, tại TP Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Tập đoàn Việt – Úc, Tập đoàn FLC và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức hàng loạt sự kiện xúc tiến đầu tư, giới thiệu quảng bá về hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, thưởng thức ẩm thực các món tôm trong Gala Testa of Vietnam – “Hương vị Việt Nam”. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, đơn vị được đánh giá là đầu tàu dẫn dắt chuỗi quy trình nuôi, chế biến và tiêu thụ tôm Việt.

Ông Lương Thanh Văn.
Ông Lương Thanh Văn.

– Thưa ông, tại sao vừa qua Tập đoàn Việt – Úc và tỉnh Bạc Liêu lại chọn Quảng Ninh để tổ chức tọa đàm “Gặp gỡ Bạc Liêu” và gala ẩm thực Tôm Bạc Liêu – Hương vị Việt Nam?

+ Như anh đã biết, Quảng Ninh là nơi hội tụ nhiều yếu tố đắc địa: Thứ nhất là nơi cửa ngõ để quảng bá thương hiệu tôm đến với bạn bè khắp nơi với lượng khách du lịch rất đông, và cũng là nơi giao thương rất gần với Trung Quốc – thị trường rất tiềm năng cho con tôm Việt phát triển. Thứ hai, đây cũng là nơi có sự đầu tư phát triển tốt về cơ sở hạ tầng, vị trí đi lại thuận tiện kết nối giữa hai miền Nam, Bắc, đặc biệt là với sự mời gọi từ phía Tập đoàn FLC, một Tập đoàn đang có nhiều dự án đầu tư ở Quảng Ninh. Vì những lý do đó nên chúng tôi đã quyết định lựa chọn đây là địa điểm phù hợp trong thời điểm này để khởi đầu quảng bá thương hiệu tôm Việt Nam.

– Như ông đã biết, Bạc Liêu và Quảng Ninh là 2 địa phương ở 2 đầu đất nước với điều kiện tự nhiên và thời tiết rất khác nhau. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc đầu tư sản xuất tôm giống ở Quảng Ninh của Tập đoàn Việt – Úc?

+Trong chuỗi giá trị của ngành tôm thì mảng giống luôn là phân khúc được rất nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển, bởi con giống là khâu quyết định trên 55% thành công của một vụ nuôi. Để chủ động nguồn tôm bố mẹ, Tập đoàn Việt – Úc chúng tôi đã hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn như: Viện CSIRO (Úc), Công ty Benchmark Holding JSC (Vương quốc Anh), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II… liên tục triển khai các chương trình nghiên cứu chọn tạo giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ.

Ông Nguyễn Thanh Văn trò chuyện cùng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về dự án đầu tư tại Quảng Ninh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện cùng ông Lương Thanh Văn về dự án đầu tư tại Quảng Ninh.

Hiện nay, Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đã chủ động được nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Với việc ứng dụng các phương pháp hiện đại di truyền số lượng, di truyền phân tử, v.v. Hiện tại, Tập đoàn đã chọn tạo được giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ thế hệ G10 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 khoảng 60%. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để có thể sản xuất nguồn tôm giống chất lượng không chỉ có sức đề kháng cao, mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương (như chịu được độ lạnh của miền Bắc, nóng của miền Trung, Nam, hay độ mặn của môi trường nước nuôi khác nhau…). Đặc biệt, năm 2018 lần đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt – Úc đã chính thức được trao Giấy chứng nhận là cơ sở sản xuất đạt chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các chuyên gia nước ngoài trò chuyện về công nghệ nuôi tôm.
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các chuyên gia nước ngoài trò chuyện về công nghệ nuôi tôm.

Tại Quảng Ninh, Tập đoàn Việt – Úc chúng tôi đã đầu tư khu phức hợp sản xuất tôm giống chất lượng cao với diện tích 169,5ha tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, tổng vốn đầu tư 829 tỷ đồng. Dự án bao gồm: Khu sản xuất tôm giống, khu sản xuất tôm bố mẹ, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, khu nuôi trình diễn các quy trình nuôi, khu thu hút và lan tỏa các công nghệ cao trong ngành tôm và thủy sản. Hiện, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành, gồm: Khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con giống/năm; khu nhà sản xuất tảo, artemia (một loại thức ăn cho tôm) và phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế đã đưa vào vận hành phục vụ cho việc sản xuất giống tại Quảng Ninh.

Các thực tập sinh tìm hiểu về tôm nuôi ở Quảng Ninh.
Các thực tập sinh tìm hiểu về tôm nuôi ở Quảng Ninh.

– Thưa ông, khu sản xuất tôm giống, khu sản xuất tôm bố mẹ, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, khu nuôi trình diễn các quy trình nuôi, khu thu hút và lan tỏa các công nghệ cao trong ngành tôm và thủy sản; nhà màng bong bóng. Những điều đó ở dự án Quảng Ninh có gì ưu trội đặc biệt hơn so với những nơi khác?

+ Như anh đã biết, vào tháng 4/ 2019, Công ty TNHH Việt – Úc Quảng Ninh đã cung cấp ra thị trường lô tôm giống chất lượng cao đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu của khu sản xuất giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt – Úc tại Quảng Ninh, góp phần giải quyết được vấn đề thiếu nguồn giống chất lượng cho bà con nuôi tôm tại đây. Chỉ sau 3 tháng, sản lượng tôm giống mà Việt – Úc Quảng Ninh cung cấp cho thị trường là hơn 220 triệu giống. Đây là một con số khá cao cho 1 công ty mới, tuy chỉ mới vận hành tầm 10% công suất, dự kiến sau khi hoàn thành xây dựng và ổn định quy trình sản xuất, công ty sẽ nâng cao sản lượng cung cấp cho thị trường nhiều hơn nữa, mục tiêu 8 tỷ con giống/năm.

Không chỉ hướng tới sản lượng, về mặt chất lượng con giống được sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ chọn giống thế hệ G10 với tốc độ tăng trưởng vượt trội và tỉ lệ sống cao. Thời gian tới, Tập đoàn Việt-Úc sẽ tiến hành giai đoạn 2 của chương trình chọn giống để sản xuất ra nguồn giống có khả năng thích nghi và tăng trưởng tốt trong điều kiện khí hậu lạnh ở miền Bắc. Đồng thời, với việc mở trại sản xuất giống tại Đầm Hà – Quảng Ninh, khoảng cách vận chuyển con giống từ trại giống đến vùng nuôi của khách hàng được rút ngắn lại rất nhiều. Điều này không những giúp con tôm giống khỏe mạnh hơn mà còn giúp cho con giống có khả năng thích nghi tốt hơn với điều kiện thổ nhưỡng tại Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung.

Sự xuất hiện của Việt-Úc tại Quảng Ninh sẽ góp phần thu hút và lan tỏa các công nghệ tiên tiến trong ngành tôm tới bà con nuôi tôm, mở ra hướng phát triển mới cho ngành tôm của Quảng Ninh theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, Việt-Úc cũng là đơn vị đóng vai trò hạt nhân phối hợp với các Viện – Trường trong khu vực để phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản. Tạo ra môi trường làm việc tốt và đầu ra ổn định cho sinh viên ngành thủy sản ở đồng bằng Bắc Bộ.

Với sự khởi đầu khá thuận lợi, Việt – Úc Quảng Ninh sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội cho hàng trăm lao động địa phương, nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành tôm tại Quảng Ninh nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung. Đó là những điểm nổi bật trong dự án của chúng tôi.

Ông Lương Thanh Văn giới thiệu với lãnh đạo tỉnh sản phẩm tôm giống của Tập đoàn.
Ông Lương Thanh Văn giới thiệu với lãnh đạo tỉnh sản phẩm tôm giống của Tập đoàn.

– Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác của huyện Đầm Hà nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong vấn đề hợp tác xây dựng phát triển dự án?

+ Xin nói ngay rằng, để đồng hành cùng phát triển ngành thì một mình doanh nghiệp không thể làm được, Tập đoàn Việt – Úc luôn hướng đến việc chung tay phát triển với nhà nước, nhà nông và chuyên gia. Tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, Khu phức hợp sản xuất tôm của Tập đoàn Việt – Úc được xem như là trung tâm để phát triển ngành tôm khu vực miền Bắc. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và ủng hộ để Tập đoàn có thể mở rộng đầu tư, phát triển tại đây.

– Trong thời gian tới, Việt – Úc sẽ tiếp tục đầu tư phát triển dự án như thế nào ở Quảng Ninh, thưa ông?

+ Như trên vừa nói, tại Quảng Ninh chúng tôi đã bước đầu sự thành công trong mảng tôm giống. Trong tương lai, Tập đoàn Việt – Úc sẽ không ngừng đầu tư các giải pháp về công nghệ không chỉ trong mảng giống, mà còn ở mảng nuôi, chế biến, nhằm mục tiêu nâng cao giá trị thương hiệu, phát triển bền vững ngành tôm.

– Trân trọng cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Phạm Học (Thực hiện)