Trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế – xã hội của huyện Bình Liêu đã có những chuyển biến rõ nét. Điều đó có được là do sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và các địa phương trên địa bàn. Kết quả này đạt được ở nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt phải kể đến công tác xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ.
![]() |
Thương lái thu mua nông sản tại khu vực chợ Đồng Văn. |
Cụ thể, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2019 đạt 352,8 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), bằng 46,23% kế hoạch và tăng 15,86% so với cùng kỳ (chỉ tiêu kế hoạch là đạt trên 16,5%). Theo bà Hoàng Thị Vinh, Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Bình Liêu, trong đó kinh tế biên mậu và dịch vụ thương mại có những chuyển biến rõ nét nhất.
Hệ thống kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn được quan tâm đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế biên mậu. Trong đó đã hoàn thành dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc). Huyện tiếp tục tập trung 78,889 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu và khu vực thị trấn; bố trí vốn cho các công trình, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2019, như: San nền, hạ tầng, hệ thống cấp nước khu kinh tế cửa khẩu, san nền, hạ tầng khu dân cư tự xây khu kinh tế cửa khẩu, nâng cấp, cải tạo đường Bình Liêu – Húc Động. Đồng thời, thi công một số công trình, dự án khởi công mới năm 2019, như: Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tự xây tại chợ Đồng Văn, xã Đồng Văn, đường đấu nối từ thị trấn Bình Liêu ra QL18C v.v..
Về dịch vụ thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện trong 6 tháng là 107,7 tỷ đồng, đạt 39,7% kế hoạch và tăng 6,8% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 34,28 triệu USD, tăng 19,78% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 23,26 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu 11,02 triệu USD, tăng 62,54% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng nội thất, hàng tiêu dùng và các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy hải sản chế biến.
![]() |
Bốc hàng từ xe tải xuống để xuất khẩu qua Cửa khẩu Hoành Mô. |
Về dịch vụ du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Bình Liêu đạt 44.984 lượt, bằng 62,3% kế hoạch, tăng 18,3% so cùng kỳ. Trong đó, khách lưu trú đạt 8.288 lượt, bằng 49,6% kế hoạch và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 12 tỷ đồng, bằng 60,9% kế hoạch và tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách. Bình Liêu hiện có 17 cơ sở với 197 phòng, trong đó 8 cơ sở với 58 phòng đã được xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch; 9 cơ sở với 139 phòng đang trong quá trình xem xét thẩm định. Các cơ sở phục vụ ăn uống từng bước được đầu tư để phục vụ du khách. Ngoài ra còn một số dịch vụ homestay, cho thuê lều trại, cho thuê xe máy, thuê trang phục dân tộc, việc phục vụ ăn uống, bán nông sản cho du khách.
Để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chú trọng đến Trung tâm Logistics Hoành Mô và Khu bến bãi hàng hóa khu vực cửa khẩu Hoành Mô và hạ tầng các khu du lịch. Bình Liêu đã triển khai các giải pháp thu hút đầu tư vào khu du lịch cộng đồng xã Lục Hồn, dự án du lịch văn hóa sinh thái Sông Moóc xã Đồng Văn; thành lập Tổ công tác hỗ trợ Công ty CP Du lịch Sen Á Đông nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại xã Lục Hồn; tạo điều kiện, hỗ trợ Công ty CP Dịch vụ thương mại XNK Long Hải JSC về thủ tục hành chính để triển khai ý tưởng lập dự án đầu tư Quy hoạch khu du lịch sinh thái thác Khe Vằn. Đồng thời, huyện còn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh khảo sát các tuyến điểm, xây dựng Cẩm nang Du lịch Bình Liêu và tờ rơi tuyên truyền, quảng bá về du lịch huyện Bình Liêu bằng 3 thứ tiếng (Việt – Trung – Anh).
Đồng thời, huyện tích cực theo dõi chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn, đưa các sản phẩm tham gia các cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; kết nối 2 hợp tác xã OCOP với các dự án hỗ trợ để nâng cấp cơ sở sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong và tinh dầu Bình Liêu; đề nghị Ban xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh cho HTX Thảo mộc Tuệ Lâm.
![]() |
Đội xe chuyển hàng qua biên giới thay thế cho công nhân kéo tay như trước kia. |
Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ chế biến miến dong cho Công ty CP TM&DV Bình Liêu tại xã Đồng Tâm; hỗ trợ cơ sở sản xuất, chế biến miến dong cho hộ ông Trần A Chiu, xã Húc Động. Đồng thời, huyện hỗ trợ sau đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ đối với các HTX thành lập mới, như: HTX Dịch vụ thương mại Khe Vằn, HTX Hợp Tiến xã Húc Động, HTX Thảo Mộc Tuệ Lâm xã Vô Ngại. Đến thời điểm này, huyện đã giải ngân 90,2 triệu đồng vốn, hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho 7 dự án vay vốn phát triển sản xuất tập trung lĩnh vực chế biến miến dong và chăn nuôi gia súc.
Trong thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian các thủ tục, quy trình, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp; đẩy mạnh khai thác, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính…
Huỳnh Đăng