Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh đã biểu quyết, thống nhất thông qua gói kích cầu du lịch trị giá 200 tỷ đồng nhằm khôi phục hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau một thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đây được xem là giải pháp linh hoạt, kịp thời của Quảng Ninh với mục tiêu tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành kinh tế du lịch, dịch vụ, vốn được coi là thế mạnh của tỉnh.
Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh.
![]() |
Du khách đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh. |
+ Nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực ngay trong tháng 5 này và kéo dài đến hết năm 2020.
Nội dung chính của Nghị quyết đó là Quảng Ninh sẽ dành 200 tỷ để thực hiện các giải pháp kích cầu hoạt động du lịch. Trong đó, tỉnh sẽ thực hiện miễn 100% giá vé thu phí tham quan Vịnh Hạ Long (trừ dịch vụ ngủ đêm), Bảo Tàng Quảng Ninh, Khu di tích danh thắng Yên Tử từ ngày 14/5 đến ngày 1/6 và một số dịp kỷ niệm, ngày lễ như: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Ngày Du lịch Việt Nam 9/7; Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7; 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10; Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11; Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Đồng thời, sẽ giảm 50% giá vé thu phí tham quan cho du khách tại các điểm đến trên trong các ngày còn lại của tháng 6 và tháng 7/2020.
Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn – Hạ Long đến Dốc Đỏ (TP Uông Bí) và ngược lại cho hành khách các chuyến bay đi và đến qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn thay vì chỉ đến Hạ Long như trước kia.
Ngoài Nghị quyết của tỉnh thì trong thời gian qua Sở Du lịch cũng đã triển khai chương trình kích cầu, xây dựng hệ thống giá kinh doanh dịch vụ hấp dẫn với du khách hơn, ví dụ như giảm giá cơ sở lưu trú từ 30-50%, giảm giá tàu thăm vịnh; giảm giá vé tham quan vào một số điểm vui chơi, giải trí; giảm giá cáp treo…
– Theo ông, ý nghĩa của chương trình kích cầu này đối với ngành du lịch Quảng Ninh như thế nào?
+ Có thể khẳng định, chương trình kích cầu du lịch có một ý nghĩa lớn đối với ngành du lịch Quảng Ninh. Chúng ta đều biết, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo đó là giảm doanh thu. Đứng trước những tác động, ảnh hưởng rất nghiêm trọng của dịch bệnh tới phát triển KT-XH, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vào lúc này là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất kinh doanh.
Hiệu quả gói kích cầu du lịch 200 tỷ đồng này sẽ tác động ngay lập tức đối với hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh. Không chỉ trực tiếp là khách du lịch, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng mà nhiều người dân khác cũng sẽ được thụ hưởng gián tiếp sự hỗ trợ này. Tuy vậy, chính sách này chỉ phát huy tác dụng cao nhất khi có sự tham gia thực sự trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện qua việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ.
– Ông có nói đến chất lượng dịch vụ, thông thường có 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của khách du lịch, đó là giá cả và chất lượng dịch vụ của điểm đến. Vậy thưa ông, liệu rằng việc giảm giá có đồng nghĩa với việc giảm chất lượng dịch vụ không?
+ Chúng tôi có khái niệm giảm giá chứ không phải hạ giá. Quảng Ninh đưa ra một số chính sách kích cầu du lịch với mong muốn đây sẽ là cơ hội để du khách đến với tỉnh nhiều hơn, nhất là trong thời điểm nền kinh tế chung đang gặp phải những khó khăn nhất định. Tỉnh cũng có quan điểm rõ ràng là sẽ tạo điều kiện để thu hút du khách, nhưng bên cạnh đó cũng phải duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để khách du lịch đến với Quảng Ninh có những trải nghiệm tốt nhất; đúng theo phương châm “Quảng Ninh – điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” mà tỉnh đã và đang xây dựng lâu nay.
– Vậy với vai trò của mình, thời gian tới ngành du lịch Quảng Ninh sẽ có những giải pháp như thế nào để gói kích cầu này được phát huy hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp?
+ Ngay sau khi Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua, Sở Du lịch đã phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan triển khai ngay phương án để cụ thể hóa những nội dung trong gói kích cầu, từ việc xây dựng tuyến, lộ trình xe buýt đến vé tham quan Bảo tàng, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục duy trì và triển khai đồng bộ các giải pháp để siết chặt công tác quản lý hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp chủ động đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nắm bắt cơ hội để tạo sự đột phá trong khai thác. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ, thụ hưởng chính sách; đồng thời, tăng cường quảng bá những chương trình, sự kiện du lịch tỉnh sẽ tổ chức trong thời gian tới và hình ảnh tỉnh Quảng Ninh là điểm đến lý tưởng nhằm thu hút du khách.