Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng mời gọi, khách du lịch đến Cô Tô còn cảm thấy yêu mến hòn đảo này hơn vì những chủ nhân thật thà và thân thiện.
Nếu như ở đâu đó, thỉnh thoảng lại rộ lên câu chuyện bắt chẹt du khách với giá dịch vụ cắt cổ thì ai đã từng đến Cô Tô sẽ có cảm giác ngược lại. Đó là sự bình yên, hoang sơ, khoáng đạt của thiên nhiên và bản tính hiền hậu, mến khách của người dân vùng biển. Mới đây, du khách Phùng Đình Chiến đến từ quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) ra Cô Tô du lịch làm rơi chiếc ví trong đó có tiền và nhiều giấy tờ khác. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Nam, trú tại khu 4, thị trấn Cô Tô đã nhặt được chiếc ví này và mang đến công an nộp để tìm cách trao trả lại người bị mất. Ông Chiến đã rất cảm kích cảm ơn anh Nam và cán bộ chiến sĩ công an huyện đảo.
|
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Minh Huệ, chủ homestay ở thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, kể: Có những khách du lịch năm nào cũng ra Cô Tô. Với họ, ra đây đúng nghĩa du lịch vì cuộc sống thật vô tư thoải mái chẳng phải lo cò mồi hay bị chặt chém gì cả. Họ thích không khí trong lành của biển đảo, sự thân thiện của người dân và vui thăm thú, thưởng thức cảnh quan thiên nhiên. Nhiều đoàn khách đông người, chẳng cầu kỳ đòi hỏi phòng ngủ phải có điều hòa, cứ vô tư mở tung cửa và cùng ngủ dưới sàn nhà. Theo họ, chỉ ở đây mới có kiểu ngủ thoải mái như thế, xe máy chẳng cần khóa, đồ đạc cứ bỏ vô tư không lo trộm cắp. Họ còn mang theo cả loa, đài rồi tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ để cùng giao lưu với người dân ở đây.
|
Do Cô Tô nằm cách xa đất liền, nên việc đi lại của du khách đều phải dựa vào các chuyến tầu. Mỗi khi gió to sóng lớn, Cô Tô bị biệt lập hoàn toàn. Nhớ lại trận mưa lũ năm 2015, Cô Tô bị cô lập hơn một tuần và có đến 3.000 khách mắc kẹt trên đảo. Vì không thông thương được với đất liền, nên nhiều nhà nghỉ đã bắt đầu bí thực phẩm, nhưng các nhà hàng, khách sạn đều không tăng giá. Du khách và chủ nhà đã trở thành bạn, thông cảm và cùng chia sẻ mọi khó khăn. Có những hôm, khách và chủ nhà cùng ra bãi bắt ốc, cùng xắn tay vào nấu cơm, rồi cùng ăn uống vui vẻ.
Trong những ngày này, lãnh đạo huyện đều rất tận tình đến các nhà nghỉ, khách sạn động viên du khách để họ khỏi lo lắng, giữ bình tĩnh. Nhiều cơ sở lưu trú tự động giảm giá phòng xuống còn 50%, thậm chí miễn phí luôn.
|
Ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Huyện rất chú trọng việc phát triển du lịch mang tính bền vững và thân thiện. Đầu năm 2019, UBND huyện đã có văn bản số 10/KH-UBND chỉ đạo các tổ chức, ban, ngành trên địa bàn tăng cường nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Các tổ chức, ban, ngành có trách nhiệm vận động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hạn chế sử dụng túi nilon, tổ chức thường xuyên “Ngày chủ nhật xanh” và các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường… Đồng thời, chúng tôi cũng kiện toàn bộ máy và định hướng cho Hiệp hội Du lịch Cô Tô hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2019 các cơ sở dịch vụ, du lịch phải làm tốt việc phục vụ du khách, không để xảy ra tình trạng quá tải dịch vụ lưu trú, vận tải thủy thông suốt, đảm bảo tốt công tác an toàn cho khách du lịch và đến tính thời điểm này, mọi hoạt động đã tốt hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Du lịch phát triển đã kéo gần Cô Tô với đất liền hơn, hằng năm có hàng chục vạn lượt khách đến Cô Tô du lịch cũng một phần do quý mến tình người nơi đây. Khách du lịch năm sau cao hơn năm trước, trong đó có nhiều du khách đã đến đảo nhiều lần. Tính đến hết tháng 8/2019, khách du lịch đến Cô Tô là 267.300 lượt, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế là 2.475 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt gần 649 tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân trên đảo. Quan trọng hơn, mỗi khi nhắc tới Cô Tô là du khách lại nhắc đến sự thật thà và thân thiện của người dân nơi đây. Điều này đã góp phần định vị thương hiệu Cô Tô trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Cô Tô qua góc nhìn của du khách
|
Tôi làm việc ở công ty du lịch chuyên đưa khách đến các điểm du lịch trong cả nước. Năm nào chúng tôi cũng đến Cô Tô và cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của huyện đảo, nhất là từ sau khi Cô Tô có điện lưới quốc gia. Mỗi lần đến Cô Tô là lại thấy huyện đảo có thêm một công trình mới tạo dấu ấn. Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ… năm sau chất lượng phục vụ hơn hẳn năm trước, du khách từ các tour của chúng tôi tổ chức không ai có điều gì phàn nàn. Nhưng có lẽ, điều đặc biệt chính là trước sự chi phối mạnh mẽ của kinh tế thị trường, Cô Tô thay đổi nhiều, nhưng tính cách con người ở đây vẫn chân thật, mộc mạc, mến khách như xưa. Đây là yếu tố quyết định giữ chân khách du lịch.
|
Hầu như năm nào gia đình tôi cũng tổ chức đi du lịch một nơi nào đó. Cách đây vài năm, chúng tôi đã đến Cô Tô, thời điểm đó chúng tôi phải chịu cảnh thiếu điện, thiếu nước, lúc trở về lại chịu cảnh chậm tàu. Khi ấy chúng tôi cùng động viên nhau: Đi một lần cho biết. Mấy năm nay qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy Cô Tô đã thay đổi nhiều, nên chúng tôi quyết định trở lại đảo, vì rất thích cảnh vật, khí hậu và con người nơi đây. Quả thật, Cô Tô hôm nay đã thay đổi rất nhiều, khỏi phải lo nhỡ tàu, đường sá thuận lợi, thông thoáng, dịch vụ phong phú không thua kém ở đất liền và đặc biệt là hoàn toàn yên tâm về giá cả…
|
Nhiều người châu Âu, trong đó có người Đức thường thích đi du lịch khám phá, thích phát hiện những điều mới mẻ trong chuyến du lịch hơn là tất cả đều biết trước qua các hướng dẫn viên. Do vậy, thường đi thành nhóm nhỏ và tự mình lo liệu mọi thứ. Một phần do ngôn ngữ bất đồng, bởi đa phần người Đức không nói được tiếng Việt và không phải người nào cũng nói tốt tiếng Anh, nên sự thật thà, thân thiện của người dân bản địa luôn được chúng tôi đề cao hàng đầu. Mỗi lần đến vùng đất mới, chúng tôi thường hỏi thăm bạn bè về con người ở vùng đất đó, vì những cái khác chúng tôi có thể tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi rất thích vùng đất Cô Tô và sẽ nói điều đó với bạn bè mình – những người chưa có dịp đến đây.
|
Giá cả du lịch ở Cô Tô không phải rẻ, thậm chí nhiều thứ còn đắt hơn một chút so với đất liền. Thế nhưng chúng tôi hiểu được đó là giá thật, hợp lý mà chúng tôi không bị chặt chém. Đường sá ở đây không quá phức tạp, nhưng với những khách du lịch đến từ nơi xa như chúng tôi vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ. Người dân ở đây rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Bản thân tôi chưa gặp trường hợp nào lợi dụng sự không biết của du khách để trục lợi. Chúng tôi thấy yêu mến cảnh đẹp thiên nhiên và yêu cả những người dân trên đảo.
Công Thành/Báo Quảng Ninh