Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021- 2025 đạt trên 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.
![]() |
Trung tâm TP Hạ Long hôm nay. Ảnh: Đỗ Phương |
Theo đó, định hướng không gian phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ là “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”. Trong đó tâm là thành phố Hạ Long sẽ trở thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ – du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Về quy mô đô thị, tập trung phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với tuyến phía Tây sẽ tập trung phát triển chuỗi đô thị, dịch vụ, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa – lịch sử tâm linh đặc sắc, có sức hấp dẫn cao với động lực phát triển mới là Khu kinh tế Quảng Yên. Còn tuyến phía Đông sẽ hình thành phát triển chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái dịch vụ, du lịch, tổng hợp, hiện đại cao cấp và kinh tế biển với mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững dựa vào vị trí địa chiến lược, tri thức khoa học công nghệ, cảnh quan, di sản- kỳ quan, văn hóa truyền thống, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy cao độ nội lực, đồng thời thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài để nâng cao kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sáng tạo. Trong đó phát triển dựa vào ba trụ cột chính. Thứ nhất là phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại; đa dạng hóa, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các loại hình dịch vụ hiện đại mà tỉnh có lợi thế. Trọng tâm là du lịch, cảng biển và dịch vụ cảng biển; dịch vụ thương mại (khâu đột phá là thương mại biên giới chính ngạch, bền vững ít phụ thuộc yếu tố bên ngoài), thúc đẩy hình thành mở rộng các trung tâm tài chính – ngân hàng tại Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn tầm cỡ quốc gia.
Thứ hai là phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao thân thiện môi trường. Trong đó sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ứng dụng công nghệ cao, đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững theo đúng quy hoạch của Chính phủ (tại Quyết định 403/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030). Theo đó, thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ khai thác lộ thiên khu vực Hòn Gai trong năm 2019. Từng bước chuyển đổi theo lộ trình các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp xung quanh vịnh Cửa Lục sang chức năng dịch vụ, du lịch và đô thị để bảo đảm môi trường. Quy hoạch các khu, cụm, cơ sở công nghiệp lên phía Bắc, phía Tây ra xa khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, vịnh Bái Tử Long. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao phục vụ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh tế biển. Phát triển chuỗi ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao đi đôi với bảo vệ môi trường tại KKT Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, KCN chuyên sâu Việt Hưng – Hạ Long.
![]() |
Phối cảnh Cầu Cửa Lục 1 kết nối Hạ Long – Hoành Bồ, dự kiến khởi công đầu quý II năm 2020. |
Trụ cột thứ ba là tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Mục tiêu là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường, trọng tâm là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học gắn với quy hoạch không gian phát triển kinh tế biển và du lịch bền vững. Phát triển kinh tế thủy sản ứng dụng công nghệ cao kết hợp khai thác, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh trên biển gắn với nuôi trồng, chế biến thủy hải sản tạo chuỗi sản phẩm phục vụ tiêu dùng, du lịch, xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu ra toàn tỉnh, xây dựng Đông Triều thành địa phương nông thôn mới của tỉnh. Đồng thời phát triển mạnh kinh tế rừng, kinh tế hộ gia đình, trang trại quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, chú trọng trồng rừng cây gỗ lớn, rừng cảnh quan, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với phát triển du lịch sinh thái…
Song song với những nhiệm vụ trên, hiện nay Quảng Ninh đang có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, xây mới, nâng cấp các trục giao thông kết nối các đô thị Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều tạo ra 1 quần thể đô thị để thu hút dân số cơ học, tăng tỷ lệ đô thị hóa..nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương.
Hoài Anh