Trang chủ Đô Thị “Biến Hạ Long thành một trong những hình mẫu về quản lý...

“Biến Hạ Long thành một trong những hình mẫu về quản lý rác thải”

898
0

Quản lý rác thải, rác thải nhựa, đặc biệt là ngăn chặn “ô nhiễm trắng” đối với rác thải nhựa đang được các địa phương, cơ quan quản lý, các quốc gia đặc biệt là các địa phương, quốc gia ven biển quan tâm. Với Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh vấn đề này được đặc biệt quan tâm. Ngoài chính quyền, còn có sự đóng góp vào cuộc, đồng hành của tổ chức quốc tế, các dự án. Một trong số đó là GreenHub, dự án có nhiều năm đồng hành với Hạ Long, Quảng Ninh. Nhân dịp này phóng viên Trung tâm truyền thông Quảng Ninh có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Hoa, Đồng sáng lập, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) về những công việc, dự án thực hiện ở Hạ Long, Quảng Ninh.

– Quản lý rác thải, ngăn chặn “ô nhiễm trắng” là vấn đề thời sự đang rất được quan tâm. Vậy lý do nào Hạ Long, Quảng Ninh được lựa chọn để thực hiện các dự án giảm thiểu ô nhiễm, quản lý kiểu mẫu về rác thải?

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) là tổ chức Khoa học công nghệ trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Việt Nam (VUSTA). Vào khoảng năm 2016, GreenHub và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp thực hiện các hoạt động trong sáng kiến liên minh Hạ Long-Cát Bà, trong đó có hoạt động thường niên là sự kiện làm sạch bờ biển Hạ Long.

Qua số liệu về rác thải biển ở Vịnh Hạ Long cho thấy, số lượng rác xốp chiếm hơn một nửa trong số lượng rác thải thu được. Ngay sau khi nhận được báo cáo về số liệu rác thải, UBND TP Hạ Long ra quyết định hạn chế và tiến đến cấm sử dụng phao xốp trong các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Vậy thì, nếu không dùng phao xốp thì ngư dân sẽ sử dụng vật liệu gì?

Vấn đề đặt ra là làm sao để vừa có số liệu, vừa vận động chính sách, đồng thời phải có giải pháp cho ngư dân vùng ven biển. Khi đó, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có một chương trình về tái chế rác thải đô thị. Nhận thấy chương trình này phù hợp để GreenHub xây dựng đề xuất dự án giảm thiểu rác thải nhựa hướng đến các thành phố quản lý rác thải tốt hơn. Và GreenHub có ý tưởng lựa chọn Hạ Long và Cát Bà để thí điểm dự án.

– Xin bà cho biết, thực tế các dự án đang được triển khai quản lý rác thải, đặc biệt ngăn chặn nạn “ô nhiễm trắng” tại Hạ Long như thế nào?

Trước những áp lực phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội ven biển, đặc biệt trên Vịnh Hạ Long ngày càng lớn. Việc phát thải, gây “ô nhiễm trắng” có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới mỹ quan, môi trường biển, môi trường sống của sinh vật biển, rạn san hô. Vì thế trong lĩnh vực quản lý chất thải, GreenHub tập trung vào giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các dự án của GreenHub trên địa bàn Hạ Long tập trung vào vấn đề này gồm có: Dự án Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải tại vùng ven biển Đông Bắc Việt Nam (Vịnh Xanh) và Dự án Mạng lưới hành động về Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam (PAN)

Theo đó, 2 dự án của GreenHub hướng tới các hoạt động thực tế như: Thực hiện kiểm toán rác thải tại một số hộ gia đình và tàu du lịch trên vịnh Hạ Long; thực hiện chiến dịch làm sạch bờ biển và thu thập số liệu rác thải một số khu vực ven biển. Sau đó đưa ra các giải pháp hiệu quả như: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thân thiện với môi trường cho vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản và công trình nổi, xây dựng mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa…

Qua những nghiên cứu, dự án sẽ đề xuất các giải pháp về quản lý, giải pháp về công nghệ nhằm giảm thiểu tác động do nhựa tới môi trường, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ủ rác hữu cơ thành phân hữu cơ tại các hộ gia đình; giới thiệu các công nghệ tái chế nhựa phù hợp và có khả năng áp dụng đối với địa phương, giới thiệu các sản phẩm thay thế nhựa sử dụng 1 lần… Đồng thời, dự án đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, tập huấn các cán bộ nòng cốt thành tuyên truyền viên tại cơ sở…

– Được biết, GreenHub cũng đề cao các giải pháp về tuyên truyền thay đổi nhận thức. Xin bà cho biết vai trò và cách làm của GreenHub về vấn đề này?

GreenHub nhận thấy việc thay đổi nhận thức của cộng đồng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, do đó GreenHub rất đề cao các giải pháp về tuyên truyền. Đó là: GreenHub chủ động lựa chọn các đối tượng chính của quá trình tuyên truyền gồm: Phụ nữ, thanh niên, ngư dân, các đối tượng kinh doanh (chợ, nhà hàng, khách sạn)…

ggf
Cán bộ, tình nguyện viên GreenHub tổ chức thu gom rác trên Vịnh Hạ Long tháng 6/2018 (ảnh:GreenHub cung cấp)

GreenHub tuyên truyền bằng cách không chỉ cung cấp các thông tin về rác thải, tác hại của rác thải mà còn giới thiệu các giải pháp tái sử dụng, tái chế, giải pháp cho vấn đề nhựa sử dụng 1 lần hiện nay. Ví dụ điển hình là: Chiến dịch tái sinh pano, áp phích để làm ra các sản phẩm tái chế, hoạt động làm gạch sinh thái được các hội phụ nữ tại một số phường tại Hạ Long áp dụng tạo hiệu ứng truyền thông sâu rộng trên địa bàn…Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức phải được thực hiện liên tục, kiên trì, không chỉ 1 lần, không chỉ qua 1 kênh thông tin… từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân.

-Thu gom và quản lý thông minh để biến Hạ Long thành một trong những hình mẫu về quản lý rác thải cũng là một trong những nội dung quan trọng được GreenHub đề cao. Việc này đang được thực hiện như thế nào ở Hạ Long?

Trong quá trình thực hiện dự án, tôi nhận thấy có vài tiêu chí mà GreenHub luôn lưu tâm trong quá trình thúc đẩy một thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải vùng ven biển. Thứ nhất, liên quan đến chính sách; vận động chính quyền có những chính sách phù hợp, hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường; kịp thời đưa ra những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải ở địa phương.

Thứ hai, nhiều nghiên cứu chỉ ra hơn 70% rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Trong năm nay, GreenHub đang kết hợp với IUCN tổ chức tập huấn và khảo sát rác thải biển cho các khu bảo tồn biển Việt Nam. Như vậy, một thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải biển sẽ phải có những phân tích đầy đủ về hiện trạng cũng như nguồn gốc rác thải biển để đưa ra được những chính sách, sáng kiến về quản lý rác thải phù hợp.

Thứ ba, tác động tuyên truyền trong cộng đồng địa phương phải có những nhân tố đóng góp cho sự thành công để hướng đến thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải biển. Từ đó, cả chính quyền và người dân biết chủ động bảo vệ môi trường sống cũng như duy trì hình ảnh về thành phố của họ, sẵn lòng đón nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài và tiếp quản các sáng kiến đó để quản lý rác thải tốt hơn.

-GreenHub thường tiên phong trong các giải pháp xử lý. Vậy thông qua các dự án rác thải, rác thải nhựa đặc biệt trên Vịnh Hạ Long được quản lý như thế nào?

GreenHub mong muốn đóng góp kinh nghiệm của mình và việc thúc đẩy các chính sách, các biện pháp quản lý nhằm quản lý chất thải hiệu quả hơn. Ngoài ra GreenHub luôn tìm kiếm các công nghệ phù hợp và đề xuất với các bên liên quan. Quan điểm của GreenHub là cần thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu tại địa bàn nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, GreenHub đóng vai trò hỗ trợ cho chính quyền và người dân địa phương trong các hoạt động xử lý rác thải.

Ví dụ điển hình là trong nỗ lực giải quyết rác xốp, GreenHub hiện đang thí điểm giải pháp sơn phủ loại sơn Line-X cho phao xốp tăng độ chắc chắn, chống ăn mòn và ngăn ngừa việc vỡ vụn các mảnh xốp trên biển của loại vật liệu nổi này.

Các giải pháp được GreenHub đưa ra đảm bảo các vấn đề thân thiện với môi trường, cảnh quan với phát triển du lịch nghĩa là phải được cân bằng giữa các yếu tố môi trường và sinh kế của những người liên quan.

-Quản lý thu gom và xử lý rác thải mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và du lịch. Bà có thể chia sẻ kỷ niệm nào sâu sắc, đáng nhớ khi gắn bó với công việc này trong thời gian ở Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh?

Trong thời gian làm việc với Quảng Ninh, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long. Nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng là sự nhiệt tình của các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hạ Long trong công tác bảo vệ môi trường.

Các chị không những tham gia phân loại, biến rác thành tiền và giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn mà còn tham gia tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng… Sự hỗ trợ của các chị góp phần rất lớn trong phạm vi dự án của chúng tôi nói riêng và cho cộng đồng nói chung. Tôi cho rằng sự tích cực và nhận thức của các nhóm, của từng bộ phận trong cộng đồng sẽ là góp phần lớn vào thành công của dự án, góp sức lan tỏa đẩy lùi “ô nhiễm trắng”.

-Thời gian tới, GreenHub có dự định, kế hoạch gì đồng hành cùng di sản Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh?

GreenHub sẽ tiếp tục thực hiện các dự án trên địa bàn TP Hạ Long, Quảng Ninh, đồng thời tham gia vào các nỗ lực giảm thiểu rác thải và đề xuất các giải pháp quản lý cũng như công nghệ trong vấn đề quản lý chất thải đặc biệt là rác thải nhựa.

GreenHub dự kiến cùng với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện hoạt động truyền thông về ô nhiễm nhựa trên biển cho các ngư dân, tiếp tục hoạt động thu gom rác tại một số vùng ven biển và thu thập số liệu rác thải cho năm thứ 4 liên tiếp trên Vịnh.

-Xin cám ơn bà!

Tạ Quân (Thực hiện)